Tối 3/5 đã diễn ra giao lưu trực tuyến về tuyển sinh năm 2020 của hai Khoa Quản lý đô thị và Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với các khách mời: TS. Ngô Việt Hùng - Phó Trưởng Khoa Quản lý đô thị; GS.TS Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Giảng viên cao cấp Chuyên ngành Kinh tế Xây dựng, Khoa Quản lý đô thị; Ths. Vũ Hải Nam - Giám đốc chi nhánh HANDICO 52, Cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Ths Nguyễn Hồng Thanh - Giảng viên chính Ngành Công nghệ thông tin; Ths Bùi Hải Phong, Giảng viên bộ môn mạng máy tính và các hệ thống thông tin.
Trong buổi giao lưu, tất cả thông tin cần thiết nhất, chuẩn xác nhất về 2 ngành của Khoa Quản lý đô thị cũng như của Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã được gửi tới khán giả.
Chương trình được thực hiện tại trường quay Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Livestream đồng thời trên các kênh FB, Youtube của trường.
Quản lý xây dựng đòi hỏi đội ngũ nhân lực rất lớn
- Một số phụ huynh muốn chia sẻ thêm về chất lượng chương trình ngành đào tạo Quản lý Xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như có cập nhật nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường như thế nào? Xin mời 2 thầy cùng chia sẻ dưới 2 góc nhìn.
TS. Ngô Việt Hùng: Chương trình đào tạo Quản lý xây dựng của trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được xây dựng dựa trên việc kế thừa các nội dung ưu việt, tiên tiến của các chương trình đào tạo quốc tế của Hà Lan, Singapore, Nga và cập nhật theo các yêu cầu của chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng tôi liên tục rà soát cập nhật các nội dung đào tạo trên cơ sở nhận phản hồi từ thị trường lao động, từ các doanh nghiệp sử dụng lao động hàng năm. Ngoài ra, Chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã được rà soát điều chỉnh lớn theo nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của Ban giám hiệu 2 lần trong năm 2008 và 2014. Hiện tại, theo kế hoạch của nhà trường chúng tôi đang tiếp tục rà soát chương trình và nội dung đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Chất lượng của chương trình đào tạo đã được khẳng định khi ngày càng có nhiều học sinh biết đến và quan tâm đến ngành quản lý xây dựng đồng thời quy mô đào tạo càng ngày càng tăng. Xin giới thiệu rằng, GS.TS Đỗ Hậu là một trong những người đầu tiên đưa ngành Quản lý đô thị vào đào tạo tại Việt Nam đồng thời cũng là một trong những người xây dựng nên chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng tại trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
GS.TS Đỗ Hậu: Mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo luôn là mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói chung và Khoa Quản lý đô thị nói riêng. Để làm được việc này, trong suốt thời gian vừa qua Khoa Quản lý đô thị luôn luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật mọi thông tin, kiến thức mới và trên thế giới. Luôn luôn bám sát thực tiễn ở Việt Nam, bám sát nhu cầu của thị trường Việt Nam, từ đó Khoa xây dựng, bổ sung các mã ngành đào tạo, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo trình, đội ngũ giáo viên.
- Chúng tôi nhận được câu hỏi của bạn Nguyễn Công Thọ (Hà Nội) dành cho thầy Ngô Việt Hùng: Bạn hỏi rằng có phải trở thành kỹ sư Quản lý Xây dựng sau khi tốt nghiệp sẽ phải toàn thời gian vất vả ngoài công trường? Sinh viên sẽ được đào tạo những kỹ năng gì thưa thầy?
TS. Ngô Việt Hùng: Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư quản lý đô thị có thể đảm nhiệm các công tác quản lý, điều phối hoạt động hoặc tham gia các công việc liên quan đến hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, phát triển khu đô thị hoặc công trình đô thị. Như vậy là các bạn có thể làm việc ở các tập đoàn hoặc tổng công ty đầu tư xây dựng, các bản quản lý các dự án phát triển đô thị mới, ban quản lý vận hành các khu đô thị, ban quản lý các công trình đô thị, các công ty đầu tư và xây dựng nhà ở và bất động sản, các phòng quản lý đô thị ở các quận; phòng kinh tế hạ tầng ở các huyện; các sở xây dựng; các viện quy hoạch ở các tỉnh.
Cụ thể công việc của kỹ sư quản lý đô thị là quản lý, tham gia hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động xây dựng như: Tham mưu tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng; hướng dẫn kiểm tra hoạt động xây dựng ; tổ chức thực hiện hoạt động quản lý trật tự xây dựng; Quản lý vận hành công trình hoặc khu đô thị; Quản lý kiểm định, bảo trì các công trình xây dựng..
Như vậy công việc chủ yếu là công tác quản lý chứ không phải giám sát công trường, không phải chỉ toàn thời gian vất vả ở công trường để giám sát dự án mà còn có rất nhiều vị trí công việc dành cho kỹ sư quản lý đô thị, tùy thuộc vào yêu cầu của cơ quan nơi bạn làm việc.
Chương trình học Quản lý xây dựng sẽ có các thời gian các bạn được tiếp xúc với các hoạt động của khoa. Các hoạt động này sẽ giúp các em tiếp xúc với thực tế không chỉ của Việt Nam mà của các các nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, các chương trình ngoại khóa còn do chính các em sinh viên trong khoa tổ chức thông qua Liên chi đoàn sinh viên của khoa, các Câu lạc bộ sở thích của Hội sinh viên và nhất là câu lạc bộ các nhà Quản lý trẻ. Nhiều năm liền, khoa quản lý đô thị là khoa duy nhất tổ chức giải bóng đá sinh viên nữ. Rồi tổ chức các giải thi đấu thể thao đặc biệt như giải vật tay của khoa Quản lý đô thị. Ở quy mô trường thì đội nhảy Flashmob của sinh viên khoa Quản lý đô thị nhiều năm đạt giải nhất toàn trường trong các cuộc thi chào tân sinh viên.
Và hiện tại đang có một cuộc thi mang tên “Khoa tôi có gì” do Chi đoàn sinh viên khoa tổ chức tìm hiểu về khoa và ngành Quản lý xây dựng, mời các sinh viên tương lai tham gia, xin được bật mí là giải thưởng rất hấp dẫn.
- Tôi muốn dành một câu hỏi cho GS.TS Đỗ Hậu, thầy có nhận xét gì về sự phát triển, phong cách đào tạo của Khoa Quản lý đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong những năm gần đây, nhất là trong thời đại 4.0 ngày nay?
GS.TS Đỗ Hậu: Khoa trong những năm vừa qua cũng có những bước tiến vượt bậc, luôn luôn lấy sinh viên làm trung tâm, luôn luôn đổi mới các thông tin, chất lượng đào tạo, cập nhật được những kiến thức, thông tin mới ở thời đại 4.0. Công tác quản lý đô thị và xây dựng phải luôn luôn ứng dụng với thực tiễn.
TS. Ngô Việt Hùng: Để hội nhập trong thời đại 4.0 thì sinh viên cần rất nhiều kỹ năng. Nói đến vấn đề các kỹ năng thì phải quay lại chương trình đào tạo của ngành Quản lý xây dựng tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Chương trình đào tạo tại khoa của chúng tôi cung cấp cho các em các kỹ năng cứng là các kỹ năng nghề nghiệp để có thể sử dụng trong công tác sau này, bên cạnh đó còn có khả năng lập luận, tư duy giải quyết vấn đề; khả năng tự nghiên cứu và thích nghi với các môi trường làm việc; Bổ sung cho các kỹ năng cứng là các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý và lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp
98% Kỹ sư Kinh tế xây dựng có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp
- Kiến trúc - xây dựng luôn là ngành thu hút nhiều nhân lực, nhất là khi Việt Nam gia nhập các Cộng đồng kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải... Do đó, cơ hội việc làm đối với ngành Kinh tế xây dựng không bao giờ thiếu, có phải không thưa thầy Hùng và anh Nam?
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Đúng vậy, theo thống kê của Báo Lao Động mới đây thì nhóm ngành Kiến trúc-Xây dựng đứng thứ 10 trong top 12 khối ngành thu hút nhiều lao động nhất Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một đội ngũ nhân lực - những nhà quản lý, tính toán kinh tế chuyên nghiệp trong ngành xây dựng, đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Do đó, học ngành Kinh tế xây dựng trở thành xu thế lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ngành Kinh tế xây dựng.
Vâng, với vai trò của nhà tuyển dụng, xin mời Ths. Vũ Hải Nam - Giám đốc chi nhánh HANDICO 52, Cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ thêm thông tin.
Ths. Vũ Hải Nam: Như PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng đã chia sẻ, thực tế của HANDICO và các doanh nghiệp xây dựng khác cũng tương tự cho thấy ngành xây dựng Việt nam hiện nay thiếu rất nhiều thợ (đặc biệt là thợ tay nghề cao), riêng về đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, thiếu nhiều cán bộ hiểu về kỹ thuật và thuần thục về kinh tế trong hoạt động xây dựng. Đó là các kỹ sư Kinh tế xây dựng.
- Một câu hỏi inbox về cho chương trình từ Bạn Kha Anh (Bắc Giang): Em thích nghề này nhưng mẹ em nói học kinh tế xây dựng ra xong thì chỉ làm suốt ngày tính toán dự toán cho công trình xây dựng thôi, lương thì chỉ như làm văn phòng thôi, thầy có thể chia sẻ giúp em đúng hay sai?
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Cám ơn Kha Anh, em thích nghề này có nghĩa là em đã tìm hiểu về Kỹ sư Kinh tế xây dựng. Ngành Kinh tế xây dựng đào tạo kiến thức chuyên sâu về kinh tế, khả năng tư vấn quản lý, triển khai các dự án đầu tư xây dựng; lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; xây dựng định mức, định giá; định giá và quản lý chi phí trong xây dựng; hạch toán kế toán và kiểm toán trong xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định hồ sơ mời thầu...
- Bạn Ngọc Bích (Hải Phòng): Cho em hỏi học ngành này khó hay dễ. Và xin việc dễ không ạ? Và cũng cùng câu hỏi bạn Linh Linh đến từ Ninh Bình, bạn muốn hỏi rằng đã có thống kê nào về số lượng sinh viên ngành Kinh tế xây dựng có việc làm sau khi tốt nghiệp hay chưa và cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành này như thế nào?
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Theo thầy, nếu bạn học để hành nghề, chăm chỉ từ đầu thì học nghề này "không khó", các thày cô chuyên ngành này sẽ giúp bạn hiểu được nhiều nhất, cập nhập được kiến thức mới nhất về nghề kinh tế xây dựng.
Thầy cũng xuất phát từ Kỹ sư Kinh tế xây dựng, đã gần 50 năm làm nghề, theo dõi các bạn học của thầy và các sinh viên thầy đã dạy, chưa thấy một ai thất nghiệp. Vài số liệu sau đây để Linh Linh thấy: Theo kết quả khảo sát của Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng của ĐH Công nghệ TP.HCM - trên 95% sinh viên ngành Kỹ sư Kinh tế xây dựng có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Nhiều bạn đã và đang đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng tại các cơ quan, ban ngành liên quan...
Theo kết quả thống kê hàng năm của chính thầy (tại thời điểm phát bằng tốt nghiệp) khoảng 98% Kỹ sư Kinh tế xây dựng của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Công nghệ thông tin đang thu hút rất nhiều sự quan tâm
Trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công nghệ thông tin là một trong những ngành mũi nhọn mang đến sự phát triển vượt bậc cho khoa học kỹ thuật và đời sống. Vì vậy, ngành Công nghệ thông tin luôn là một ngành học “hot” và thu hút rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn yêu thích máy tính và đam mê công nghệ. Xin thầy Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ về ngành Công nghệ thông tin được đào tạo tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội như thế nào?
Ths. Nguyễn Hồng Thanh: Ngành Công nghệ thông tin được đào tạo tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội theo hai hướng. Trước khi thành lập ngành, từ năm 1995 đến năm 2015, hướng đào tạo là ngành Công nghệ thông tin ứng dụng cho ngành xây dựng, kiến trúc. Đến năm 2015, trường thành lập Khoa Công nghệ thông tin để đào tạo kỹ sư Công nghệ thông tin.
- Chúng tôi nhận được câu hỏi từ bạn Nhật Nam (Hà Nội), bạn muốn đăng ký vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vì qua báo, đài bạn biết được sinh viên của Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã nhận được rất nhiều giải thưởng tin học lớn. Bạn muốn hỏi thầy Bùi Hải Phong là trường ĐH Kiến trúc Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Công nghệ thông tin đi thi như thế nào và đoạt được giải có khó không?
Ths. Bùi Hải Phong: Từ 1996, đội tuyển Olympic của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã nhiều lần dự thi các Olympic Tin học và dành được nhiều giải cao về cá nhân và đồng đội. Cụ thể năm 2007 đội tuyển Olympic Tin học sinh viên của Trường đã đạt: “Đội tuyển Việt Nam xuất sắc nhất khối không chuyên tin học, kì thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực Châu Á năm 2007” và đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ TT&TT tặng Bằng khen.
Đặc biệt năm 2013, trong kỳ thi OLYMPIC Tin học sinh viên toàn quốc, về cá nhân có 2 sinh viên của trường đạt: 1 Vô địch khối chuyên tin và 1 Vô địch khối không chuyên tin. Năm 2014, về cá nhân có 1 sinh viên đạt giải Nhất khối Siêu cúp.
Để dành được những thành tích như vậy, nhà trường hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho đội tuyển Olympic Tin học sinh viên của nhà trường. Cụ thể, hàng năm, nhà trường luôn tổ chức các lớp luyện thi Olympic Tin học sinh viên, bố trí những giảng viên tốt nhất để luyện thi cho các bạn. Bên cạnh đó, nhà trường giảng dạy lý thuyết và thực hành trong các phòng máy của nhà trường. Hiện nay trường có 6 phòng máy, mỗi phòng hơn 40 máy tính chất lượng cao.
- Nhân tiện các thầy có thể chia sẻ thêm 1 câu chuyện nào thú vị về các cuộc thi của các bạn trong khoa mình không ạ?
Ths. Bùi Hải Phong: Đối với tôi, mỗi năm được đưa các bạn đi thi để lại rất nhiều ấn tượng nhưng năm 2013 có một bạn sinh viên rất xuất sắc, nhiều năm liền được giải nhất Olympic Tin học không chuyên toàn quốc, sau đó tiếp tục đi thi Olympic Tin học khối chuyên và tiếp tục đạt giải nhất, tiếp theo bạn lại được giải nhất khối siêu cúp cho các bạn chuyên tin học.
- Bạn Quang Tuấn (Thái Bình) có hỏi là trình độ tiếng Anh giữ mức độ quan trọng thế nào trong việc học cũng như cơ hội nghề nghiệp tương lai của Kỹ sư Công nghệ thông tin?
Ths. Bùi Hải Phong: Tiếng Anh là môn học hết sức quan trọng đối với sinh viên các ngành kỹ thuật nói chung, đặc biệt với sinh viên Công nghệ thông tin, vị trí và vai trò môn tiếng Anh càng quan trọng. Hầu hết, tài liệu, chương trình được cập nhật chủ yếu được viết bằng tiếng Anh, các bạn cần học tốt môn tiếng Anh vì thế. Các thiết bị, linh kiện của ngành công nghệ thông tin đều được dùng tiếng Anh. Vì vậy tiếng Anh là nòng cốt, nền tảng để các bạn phát triển kỹ năng trong học tập và nghề nghiệp sau này.
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội rất chú trọng dạy và học tiếng Anh, sinh viên được trang bị các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tương ứng với trình độ TOEIC 450 điểm, ngoài ra sinh viên công nghệ thông tin còn được học tiếng Anh chuyên ngành giúp các bạn có được nền tảng tiếng Anh tốt, các câu lạc bộ và lớp học tiếng Anh đều được tăng cường trong trường.
Đón xem ngày 10/5/2020 Giao lưu trực tuyến Tư vấn tuyển sinh ngành 20h trên kênh Youtube và FB của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Số tiếp theo sẽ là Giao lưu tư vấn tuyển sinh giải đáp tất cả các thông tin về tuyển sinh ĐH chính quy của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vào lúc 20h ngày 10/5/2020.