Năm 2024, giải thưởng thu hút gần 100 đồ án xuất sắc từ 15 Trường Đại học có Khoa Kiến trúc – Quy hoạch trên cả nước. Mỗi đồ án tham gia đều thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong việc ứng dụng các nguyên tắc của kiến trúc xanh vào thực tiễn.
Các đồ án dự thi được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí chính:
1. Tính sáng tạo: Các đồ án phải thể hiện được ý tưởng mới mẻ, cách tiếp cận độc đáo và khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời vẫn cần chú trọng, kế thừa và khai thác giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống.
2. Địa điểm bền vững và khả năng chống chịu: Hài hòa và bền vững, giảm tác động tiêu cực từ kiến trúc lên cảnh quan và phát huy yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống. Bên cạnh đó, khả năng tận dụng tái xây dựng địa điểm sẵn có và tính bền vững trong điều kiện môi trường khắc nghiệt
3. Thiết kế thụ động: Tận dụng các giải pháp thụ động trong thiết kế, tận dụng tối đa các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, gió để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
4. Công nghệ xanh và chất lượng môi trường trong nhà: Đưa vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tạo môi trường sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe con người.
5. Hiệu quả năng lượng và tài nguyên: Sử dụng các vật liệu tái chế, tài nguyên và năng lượng một cách tối ưu, áp dụng các công nghệ hiệu quả để tiêu thụ carbon thấp nhất đảm bảo tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, Ban Tổ chức đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, mỗi tiêu chí được chấm điểm theo thang điểm 10. Điểm số tối thiểu để vào vòng chung kết là 7 điểm. Bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên thực tiễn và có thể được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của ngành. Việc áp dụng bộ tiêu chí này nhằm khuyến khích sinh viên sáng tạo các giải pháp kiến trúc xanh hiệu quả và đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành.
Hội đồng giám khảo gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ - Kiến trúc sư hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc xanh và phát triển bền vững, cùng các chuyên gia đến từ các tổ chức liên quan. Các đồ án được đánh giá cao bởi sự sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế, với các loại công trình đa dạng như công trình văn hóa cộng đồng, khu di tích lịch sử, resort, viện bảo tàng, trung tâm y tế và công viên tái chế.
Trong Buổi lễ trao giải và vinh danh được tổ chức trực tuyến ngày 27/9 vừa qua, 04 đề tài của sinh viên Kiến trúc Hà Nội đã xuất sắc đạt giải thưởng uy tín này. Xin chúc mừng các bạn:
+ 01 Giải Ba: Sinh viên Phạm Thị Tư với Đề tài “Nhà máy xử lý rác hữu cơ Đông Anh, Hà Nội”. Đồ án sở hữu một chủ đề hấp dẫn, mang đến những giải pháp bền vững toàn diện, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu khoa học và công tác tuyên truyền, giáo dục. Đề tài thể hiện sự sáng tạo và tư duy nghiên cứu tốt của sinh viên.
+ 02 Giải Khuyến khích: Sinh viên Vương Hữu Thanh Phúc với Đề tài “Tái thiết khu tập thể Kim Liên”; Nhóm sinh viên Mẫn Thị Quỳnh Anh, Lê Ngọc Nhi với Đề tài “Quy hoạch phân khu đô thị nông nghiệp Tây Bắc, Thành phố Bắc Ninh.
+ 01 Giải Chuyên đề: Nhóm sinh viên Nguyễn Tuấn Dũng, Ngô Tiến Phúc Đạt với Đề tài “Thiết kế cảnh quan ven sông Cày, Thành phố Hà Tĩnh”.
Chúc mừng dấu ấn của các bạn sinh viên Kiến trúc tại Cuộc thi lần này. Hy vọng, giải thưởng sẽ là động lực để các bạn tiếp tục phấn đấu, phát huy năng lực học tập, nghiên cứu, cống hiến những đề tài thiết thực, đóng góp giá trị cho cộng đồng.
Ra đời từ Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2017, Giải thưởng “Kiến trúc xanh sinh viên” nhằm mục tiêu khuyến khích và vinh danh những sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học có khoa Kiến trúc và Quy hoạch trên cả nước. Sự kiện đã trở thành động lực thúc đẩy những kiến trúc sư trẻ tiếp cận và ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh vào thực tiễn xây dựng tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên thể hiện tài năng và tư duy sáng tạo, mà còn mở ra cánh cửa hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bền vững.
Qua các năm tổ chức, nhiều sinh viên đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của kiến trúc xanh, từ đó tạo tiền đề cho sự nghiệp sau này, với những công trình ứng dụng hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.