Tối 26/4 đã diễn ra giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh năm 2020 của Khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với các khách mời: PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp, Trưởng bộ môn Thiết kế Nội thất; ThS. Nguyễn Trí Dũng – Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang.
Trong buổi giao lưu, tất cả thông tin cần thiết nhất, chuẩn xác nhất về Khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp được gửi tới quý vị. Chương trình được thực hiện tại trường quay Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Livestream đồng thời trên các kênh FB, Youtube của trường.
Sinh viên năm thứ 3-4 đã có việc làm đến 90%
Xin chào thầy Vũ Hồng Cương, trong khi chờ các BTV của chúng tôi tổng hợp các câu hỏi của quý khán giả, thì tôi rất muốn hỏi thầy câu hỏi rằng tại sao Khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp ngày càng hút sinh viên đến vậy?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp tuổi đời còn khá non trẻ, mới thành lập được 5 năm nhưng tuy nhiên, truyền thống đào tạo đã được trên 10 năm. Hiện nay, do đặc thù của nghề nghiệp xã hội, đặc biệt là nhóm ngành liên quan đến nghệ thuật, trong đó có 4 ngành: Thiết kế Nội thất, Thiết kế Đồ hoạ, Thiết kế Thời trang, Điêu khắc được xã hội rất đón nhận. Ngoài ra có những lợi thế nhất định khi các em lựa chọn ngành nghệ thuật ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Vì vậy, trong những năm vừa rồi, chỉ tiêu tuyển sinh đã đột biến, Khoa chúng tôi đã tuyển sinh hơn 700 sinh viên cho 4 ngành trong năm vừa rồi.
* Để rõ hơn về từng ngành, chúng tôi ta sẽ đi vào ngành Thiết kế Nội thất đầu tiên. Cũng câu hỏi của bạn Hoàng Minh: em muốn biết ngành Thiết kế Nội thất của trường đại học Kiến trúc Hà Nội có gì khác biệt?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Điều khác biệt đơn giản nhất, chính là ở tên của trường: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Khi làm nghề trang trí nội thất hay thiết kế nội thất, thường là các bạn sẽ khai thác không gian sẵn có để trang trí, làm song song với kiến trúc sư để hình thành cả không gian kiến trúc và nội thất. Như vậy, học ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các bạn hoàn toàn được dựa vào tư liệu cũng như kinh nghiệm kiến tạo không gian của nhà trường, từ giảng viên, thư viện, tài liệu sách vở… Từ nền kiến thức đó, các bạn dễ dàng phát triển sáng tạo trong không gian nội thất.
Một trong những khó khăn của nhiều trường là việc tư liệu học tập. Muốn làm nội thất, chúng ta phải có vỏ kiến trúc. Ở đây, vỏ kiến trúc trong quá trình các em học rất sẵn sàng, dồi dào và phong phú. Thậm chí, chúng tôi còn muốn có những đồ án song hành giữa Kiến trúc và Nội thất với nhau, giống như công việc đang được triển khai ở ngoài thực tế. Như vậy, khi học xong các em có thể bắt tay vào công việc một cách rất dễ dàng. Đó là lợi thế của nhà trường.
- Bác Hoàng Yến (Hà Nội) tôi muốn hỏi về giảng viên Khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có phải là các kiến trúc sư không?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Cụ thể là ngành Thiết kế nội thất, chúng tôi có một nửa số lượng giảng viên là Kiến trúc sư, một nửa là những nhà thiết kế Nội thất, là cử nhân Mỹ thuật công nghiệp… Các thầy cô đều đã tốt nghiệp và trang bị trình độ Thạc sĩ cũng như Tiến sĩ.
Hai nhóm giáo viên đó, chúng tôi hy vọng sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức tổng hợp hơn, các em không chỉ giỏi về trang trí của các nhà thiết kế nội thất truyền dạy, mà các em còn được trang bị kiến thức sáng tạo về mặt không gian, làm chủ không gian.
- Một câu hỏi đến từ bạn Lucas Nam, bạn hỏi rằng Ngành Thiết kế Nội thất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội học 4,5 năm trong khi các trường khác học 5 năm?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Từ năm 2005, trường đã đào tạo các mã ngành này rồi và thời gian đào tạo là 5 năm. Nhưng đến năm học 2014-2015, chúng tôi đã có sự điều chỉnh chương trình xuống 4,5 năm để nhằm tạo điều kiện nén chương trình lại, tiết kiệm thời gian cho người học, vẫn khối lượng học đó, vẫn chuẩn đầu ra nhưng các em rút ngắn được nửa năm, để ra trường đóng góp nhanh hơn cho xã hội.
- Bạn Hạnh Trần (Bắc Ninh) có nhờ thầy giải đáp giúp, sinh viên ra trường sẽ có kỹ năng gì và có dễ xin việc ở các tỉnh không ạ?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Nếu nói về việc làm sau này thì chính con số tuyển sinh vào ngành nội thất là hơn 350 em cho thấy khả năng xin việc ở tất cả mọi thành phố cũng như địa phương là rất lớn nên các bạn thi vào rất nhiều.
Theo khảo sát của chúng tôi, các bạn sinh viên năm thứ 3, thứ 4 có tới 90% các bạn đã đi thực tập hoặc đi làm cộng tác với các đơn vị, có bạn tham gia kinh doanh các sản phẩm nội thất. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường các bạn đều đã có việc làm. Đây là điều mừng và cũng là điều lo, chúng tôi cũng thấy các bạn cần phải cân đối giữa việc học và việc làm thêm kiếm tiền.
Điêu khắc ở Việt Nam sắp tới sẽ phát triển rất mạnh
Một số bạn quan tâm đến ngành điêu khắc của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các bạn gửi câu hỏi đến chương trình hỏi rằng ngành điêu khắc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có hay, thưa thầy?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Hiện nay các bạn học Điêu khắc tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các bạn cũng không chỉ đơn thuần làm các tác phẩm một cách tự do, thoải mái mà ở đây có rất nhiều điều kiện, môi trường để các bạn đặt, để. Các tác phẩm điêu khắc một là để ngoài cảnh quan rộng lớn, thứ hai là chúng ta để bên trong nội thất của công trình. Ở trường chúng tôi có những ngành như quy hoạch, thiết kế cảnh quan, đô thị, kiến trúc và đặc biệt là nội thất. Sinh viên điêu khắc hoàn toàn có sẵn môi trường, cũng có thể học hỏi thêm những tư duy tạo hình của kiến trúc, của nội thất, kể cả ngoại thất. Tôi nghĩ đây là mảnh đất màu mỡ cho điêu khắc phát triển, nảy nở. đây là lợi thế không phải nhiều cơ sở đào tạo có.
- Một phụ huynh gửi câu hỏi tới chương trình muốn hỏi thầy Vũ Hồng Cương về cơ hội triển vọng công việc của sinh viên Điêu khắc sau khi tốt nghiệp như thế nào?
PGS. TS. Vũ Hồng Cương: Tôi chỉ lấy ví dụ rằng có nhà Điêu khắc đã làm đến chức Thứ trưởng của một Bộ. Các em có thể hoàn toàn yên tâm rằng, điêu khắc là ngành nghệ thuật, nhưng thật ra cũng là ngành liên quan đến hình khối và không gian. Chúng ta thấy phổ biến chân dung nhà điêu khắc là những người hoạt động tự do, đặc biệt họ sẽ kết hợp với các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và các nhà thiết kế nội thất.
Nếu bạn học Điêu khắc ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội thì bạn có ngay những người bạn làm quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà thiết kế nội thất tương lai để các bạn cộng tác. Đấy là một lợi thế để bạn có thêm cơ hội làm việc.
Ngoài ra, các bạn có thể tham gia vào những ngành văn hoá, ngành nghệ thuật. Những bạn nào say mê khoa học thì chúng ta có thể học thêm để có thể giảng dạy như chúng tôi.
Ngành Điêu khắc là ngành đặc thù, trên thế giới cũng như ở Việt Nam không tuyển sinh nhiều, đào tạo ngành này rất công phu và tốn kém nhưng xã hội càng phát triển thì điêu khắc càng cần thiết. Và tôi nhìn thấy, đánh giá của cá nhân tôi là thời gian sắp tới đây, Điêu khắc ở Việt Nam sắp tới sẽ phát triển rất mạnh.
Học Thời trang được tham gia “show” từ năm thứ nhất
- Phần giao lưu đầu tiên cùng thầy Vũ Hồng Cương đã kết thúc. Tiếp theo tới phần giao lưu với ThS. Nguyễn Trí Dũng – Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang.
Một bạn có nickname Mili Kumi hỏi rằng, có phải sinh viên có “style” cá tính mới học thời trang không ạ?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Đối với cá tính, dù làm bất cứ ngành nghề nào chúng ta cũng đều cần có cá tính riêng. Đối với phong cách, với người học thời trang cũng như thực hành nghề thời trang, phải hiểu về các phong cách. Việc hiểu sẽ giúp các bạn thực hành tốt và tạo ra được nhiều phong cách thời trang mới.
- Bạn Quốc Minh (Thái Bình) cũng quan tâm tới ngành thời trang. Bạn có hỏi sinh viên thời trang được học chuyên ngành từ năm thứ mấy? Em thấy các anh chị năm trên tham gia nhiều chương trình Fashion show, có phải sinh viên giỏi mới được tham gia không?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Ngay từ học kỳ II năm thứ nhất, sinh viên ngành thời trang trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã được học các kỹ năng chuyên ngành. Việc tham gia các chương trình trình diễn thời trang, nhờ có sự năng động chung của các đơn vị, sinh viên thời trang có cơ hội được tiếp cận với các show không chỉ ở chương trình thương hiệu cá nhân mà còn tập hợp nhiều thương hiệu của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam và quốc tế.
Việc tham gia các show trình diễn đó, sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã được chúng tôi hỗ trợ kết nối với các đơn vị tổ chức, có cơ hội tham dự với tư cách khán giả và cộng tác viên. Sau thời điểm bộ môn và nhà trường đã kết nối hỗ trợ như thế, các bạn đều tự đăng ký để tham gia các chương trình với rất nhiều các vị trí khác nhau, từ hỗ trợ các nhà thiết kế đứng ở phía sau sân khấu… Không phải chỉ những sinh viên giỏi mới tham gia mà tất cả các bạn học thời trang đều có sự yêu thích và đam mê để tự chủ động tìm kiếm các cơ hội tham gia các show trình diễn. Qua các show đó, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm và các mối quan hệ trong nghề nghiệp.
- Bạn Linh Anh (Hà Nội) hỏi nếu bạn vào trong trường, phương pháp học ngành thời trang của trường có gì hay không và yếu tố gì là cần thiết để bạn trở thành sinh viên thời trang và nhà thiết kế thời trang trong tương lai?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Học bất cứ ngành nghề nào chúng ta cũng đều có nhiều phương pháp khác nhau để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ với nghề nghiệp. Tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và đặc biệt ở ngành thời trang, chúng tôi thực hành trên xưởng rất nhiều. Thời gian nghiên cứu sáng tạo và thời gian hoàn thiện các mẫu thiết kế, mẫu sáng tạo cũng được thực hiện tại xưởng. Thậm chí, sau khi các sản phẩm đã hoàn thiện, các bạn lại được trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra hình ảnh tại studio của trường. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội không chỉ chú trọng đến quá trình hướng dẫn các bạn kỹ năng, kiến thức mà hoàn thiện sản phẩm nhà trường cũng đầu tư các cơ sở vật chất và phối hợp với các đơn vị truyền thông để tạo cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang có cơ hội quảng bá các sản phẩm của mình ngay trong quá trình học.
Bên cạnh đó, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đặc biệt trong thời gian rất gần đây, chúng tôi còn bổ sung thêm các ngành hỗ trợ cho ngành thời trang, mở rộng hợp tác với các đơn vị nước ngoài như Hàn Quốc, đặc biệt là Pháp để tạo ra những xưởng và studio về làm đẹp. Ngành thời trang không thể tách rời với công nghệ làm đẹp, phụ kiện thời trang.
Khi bạn muốn học ngành thời trang thì trước hết bạn phải yêu thích cái đẹp, thích mặc đẹp, khi đó bạn sẽ kết hợp với các kiến thức của mình trong khi học để tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp.
- Nhiều bạn hỏi chung một câu hỏi rằng học ngành Thiết kế Đồ hoạ có khó không?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Học để biết thì không khó, nhưng những người chọn học Thiết kế Đồ hoạ để thành nghề sinh sống sẽ đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Ở đây, nó sẽ không đề cập đến chữ khó mà nếu bạn yêu thích, đam mê thì bạn sẽ cảm thấy đó là việc bình thường. Chúng ta hiểu biết về công nghệ, nắm bắt được các xu hướng, nhu cầu khách hàng, sự biến động trong xã hội thì chúng ta sẽ thực hiện được sự phát triển trong nghề nghiệp mà không hề khó khăn khi có sự yêu thích, đam mê.
- Một bạn học sinh ở Yên Bái lại hỏi rằng học ngành đồ họa có cơ hội việc làm ở các tỉnh không, thưa thầy?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển sinh trên toàn quốc và hiện nay tại trường có rất nhiều các bạn đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Các bạn ở đồng bằng, miền biển và rất nhiều bạn ở khu vực miền núi như Yên Bái. Vì sản phẩm ngành Thiết kế Đồ hoạ gắn liền với nhu cầu cuộc sống nên ở thành thị có nhu cầu gì thì ở các địa phương khác có nhu cầu đó. Các tỉnh đều có nhu cầu hoàn thiện và đưa ra các sản phẩm mang tính thẩm mỹ gắn với đời sống để làm tăng thêm giá trị các sản phẩm khác nhau. Cơ hội việc làm đối với bạn học ngành Thiết kế Đồ hoạ ở bất cứ đâu có sự hoạt động, sinh hoạt của con người thì đều rộng mở.
- Bạn Dũng Mạnh (Nam Định) muốn hỏi về các chương trình giao lưu quốc tế?
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Sự kết nối, giao lưu quốc tế là một trong những điểm rất mạnh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói chung, đối với ngành Thiết kế Đồ hoạ, với xu thế toàn cầu hoá và với kênh truyền thông mạnh mẽ, đa dạng, sinh viên Thiết kế Đồ hoạ tự có cho mình những kênh kết nối quốc tế. Về phía nhà trường, Khoa và chuyên ngành Thiết kế Đồ hoạ, chúng tôi có những kết nối với các trường đại học ở Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, các cơ hội việc làm thông qua các dự án của Viện Đào tạo & Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mang về và chia sẻ cho sinh viên, các bạn đã được tiếp cận với cơ hội giao lưu quốc tế.
- Và câu hỏi cuối dành cho thầy Nguyễn Trí Dũng đến từ một bậc phụ huynh quan tâm đến cơ hội việc làm và thu nhập của hai ngành thiết kế thời trang và thiết kế đồ hoạ? Xin thầy giải đáp.
ThS. Nguyễn Trí Dũng: Một trong những lý do mà những năm gần đây các bạn trẻ yêu thích và chọn các ngành liên quan đến mỹ thuật ứng dụng là các bạn có thể thực hiện nghề nghiệp ở vị trí hoạt động tự do, không bị gò bó trong khuôn khổ công ty, doanh nghiệp nào cả. Và với sự sáng tạo, những kiến thức được học của mình, các bạn có thể tự tiếp nhận khách hàng, trao đổi, đàm phán, ký hợp đồng, hoàn thiện sản phẩm, sản xuất, bàn giao sản phẩm.
Như vậy, những người làm nghề Thiết kế Thời trang, Đồ hoạ, thứ nhất có thể làm tự do, thứ hai môi trường làm việc của hai ngành này được tiếp cận với không gian rất hiện đại, những điều kiện, yếu tố về công nghệ hiện đại nên thúc đẩy sự yêu thích của các bạn trẻ.
Về thu nhập thì khó đưa ra được một mức vì theo năng lực, theo khả năng mỗi người. Bạn càng tài năng, càng có nhiều sản phẩm có ích, càng có nhiều sản phẩm được xã hội tiếp nhận, mức thu nhập của các bạn càng cao.
Lịch Giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học các Khoa/Ngành Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội sẽ được thực hiện vào các buổi tối Chủ nhật hàng tuần vào lúc 20h trên kênh Youtube và Facebook của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Số tiếp theo sẽ là Giao lưu tư vấn tuyển sinh ngành Quản lý xây dựng, ngành Kinh tế xây dựng và ngành Công nghệ thông tin vào lúc 20h ngày 3/5/2020.