Tham dự chương trình có: GS. Nicolas Maïnetti - Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); bà Nguyễn Thị Thuý Nga- Phụ trách dự án Responsable de projet, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; bà Marine BRUDER - Cán bộ phụ trách đại học, Đại sứ quán Pháp; đại diện các Trường Đại học, Viện nghiên cứu: Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia, Đại học Quốc gia Lào, Viện nghiên cứu phát triển IRD tại Việt Nam và Philippines, Viện nghiên cứu phát triển Pháp tại Lào, Đại học Huế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc cảnh quan Quốc gia Bordeaux, Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie, Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Nhà trường; TS.KTS. Lê Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế; TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và HTQT.
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng vào những thập kỷ gần đây, các đô thị trên thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro và thảm hoạ từ thiên nhiên, lũ lụt và ngập úng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Đặc biệt, các đô thị có sông đổ ra biển, đặc biệt là khu vực cửa sông là các khu vực dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, việc nghiên cứu, nhận diện các giá trị, nắm bắt các quy luật vận động, biến đổi không gian và cảnh quan các khu vực này nhằm định hướng các giải pháp quy hoạch không gian, đảm bảo phát triển đô thị thông minh và bền vững là hết sức cần thiết.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, đề án này tập hợp đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu của Việt Nam, Lào, Campuchia và Cộng hoà Pháp đã và đang tham gia giảng dạy các chương trình liên kết đào tạo Cử nhân - Thạc sĩ - Tiến sĩ ngành Kiến trúc bằng tiếng Pháp do Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF hỗ trợ từ nhiều năm qua.
Mục tiêu của đề án là xây dựng các nội dung cụ thể cho dự án nghiên cứu khoa học quốc tế xoay quanh chủ đề “Nghiên cứu quá trình biến đổi cảnh quan các đô thị có sông hướng ra biển dựa trên sự kết hợp các phương pháp tiếp cận (của các nước Đông Nam Á và của Pháp)”; thiết lập hồ sơ dự án nghiên cứu khoa học quốc tế, có khả năng ứng tuyển được các nguồn tài trợ cho công tác nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cho giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói riêng, giảng viên của khu vực Đông Nam Á nói chung.
Dự án được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 03/2026 dưới sự chủ trì của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các cơ sở thành viên của dự án gồm: Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Phòng thí nghiệm Passages (UMR CNRS 5319 Pháp), Trường Đại học Kiến trúc Cảnh quan Bordeaux, Trường Đại học Kiến trúc Normandie, Trường Đại học Kiến trúc Toulouse, Trường Đại học Quốc gia Lào, Trường Đại học Hoàng gia Nghệ thuật Campuchia, Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Huế, Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus, Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD).
Các đối tác địa phương: Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).