Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Phòng Khoa học Công nghệ, Khoa Sau Đại học và đại diện một số khoa, Phòng ban khác.
PGS.TS.KTS. Lê Quân gửi lời chào nồng nhiệt tới ngài Philippe Le Failler đến thăm và làm việc tại HAU. Hiệu trưởng cho biết, để có được những thành tựu như hôm nay, HAU đã học hỏi, vận dụng rất nhiều kiến thức thu nạp được từ nền giáo dục các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nhất là với các Trường Đại học, các Tổ chức danh tiếng của Cộng hoà Pháp. Với lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác hơn 20 năm với các đối tác Pháp. Nhiều cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Nhà trường từng tốt nghiệp tại các Trường Đại học nước bạn.
Cũng theo PGS.TS.KTS. Lê Quân, HAU hiện có hệ thống đào tạo L-M-D từ bậc Đại học, Thạc sĩ đến Tiến sĩ các chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan, Kiến trúc Tiên tiến… Trong đó có sự đồng hành hỗ trợ của Đại Sứ quán Pháp cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức Pháp ngữ. Trong giai đoạn toàn cầu hóa, các đối tác Cộng hòa Pháp không kém phần quan trọng trong chiến lược Quốc tế hóa của Nhà trường. Lãnh đạo Nhà trường bày tỏ mong muốn sẽ gắn kết hợp tác mọi mặt giữa HAU và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trong tương lai.
TS. Philippe Le Failler mong muốn hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu các tài liệu, các di tích lịch sử, hiện vật khảo cổ hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài đã từng có thời gian làm việc tại đây.
Với những kế hoạch hợp tác đầy triển vọng trong thời gian tới, hy vọng sẽ ngày càng thúc đẩy chặt chẽ mối quan hệ giữa hai phía.
Viện Viễn Đông Bác cổ là một Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông Phương học, chủ yếu trên thực địa. Tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898 và chính thức thành lập với tên gọi Viện Viễn Đông Bác cổ ngày 20/01/1900. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trụ sở đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn, Nam Kỳ trong ngày đầu thành lập năm 1900. Tới năm 1902 Viện dời ra Hà Nội. Bởi các biến động của thời cuộc chiến tranh, năm 1957, Viện phải rời Hà Nội tới Campuchia, sau đó lại rời Phnom Penh về Paris năm 1975. Hiện nay, Viện Viễn Đông Bác cổ thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp, có 17 trung tâm nghiên cứu tại 12 Quốc gia Châu Á.