Do nghiên cứu có yếu tố mới nên kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã được công bố trên Tạp chí chuyên ngành của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng số tháng 9/2023.
“Hà Nội đang trong quá trình phát triển các tuyến đường sắt nội đô, với các ga trung chuyển đơn thuần, chỉ khác mỗi tên. Chúng mình đã đặt câu hỏi tại sao mỗi nhà ga không mang một đặc trưng riêng, là một điểm dừng chân, một điểm đến chứ không đơn thuần là ga trung chuyển hành khách?”, đại diện nhóm, bạn Trần Đức Dương cho biết.
Cả nhóm đã quyết định chọn ga Kim Mã làm đề tài vì đây là ga ngầm đầu tiên được khởi công xây dựng. Đề tài đã biến nhà ga trở thành không gian cộng đồng, kết nối người dân với các tiện ích và không gian mở. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống đô thị, đẩy lùi bê tông hoá, phủ xanh và tạo cảnh quan đô thị.
NHỮNG SINH VIÊN NĂM ĐẦU “DẤN THÂN” NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Nhóm của Đức Dương có gần một nửa thành viên là sinh viên năm đầu tiên tham gia nghiên cứu khoa học nên khó khăn vấp phải là thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đề tài nhóm chọn còn khá mới mẻ, cần nghiên cứu kỹ nên nhóm cũng khó trong việc tìm tài liệu.
Dù vậy, dưới sự dìu dắt tận tình của giảng viên hướng dẫn, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, sự quyết tâm, đoàn kết, thái độ nghiên cứu khoa học nghiêm túc của cả nhóm, khu vực nghiên cứu là ngay trong thành phố Hà Nội nên đề tài đã hoàn thành với kết quả tốt.
“Sức lan toả của hoạt động Nghiên cứu khoa học sinh viên là không thể phủ nhận. Một hoạt động mà sinh viên vừa có thể học tập và nghiên cứu một cách khoa học, tích lũy được nhiều kĩ năng mềm với nhiều niềm vui thì đáng được sinh viên quan tâm. Chúng mình rất vui vì có thể truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học những năm sau”, bạn Đức Dương tâm sự.
Mong rằng, đề tài có tính mới, “nóng” của cả nhóm sẽ sớm được áp dụng trong thực tiễn, nhằm đem lại những không gian đáng sống cho người dân Thủ đô.