Tham dự khai mạc Triển lãm, về phía Đại sứ quán nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam có ngài Alexander Nowakowski - Quyền Trưởng phòng Kinh tế Chính trị.
Về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Nhà trường; TS.KTS. Lê Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế cùng sự có mặt của các giảng viên, sinh viên đến tham quan và tìm hiểu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ngài Alexander Nowakowski - Quyền Trưởng phòng Kinh tế Chính trị, Đại sứ quán nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam bày tỏ vinh dự được đại diện cho Đại sứ quán có mặt tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Là một trong những quốc gia có nền khoa học kỹ thuật và công nghệ bảo tồn, trùng tu di tích tiên tiến không chỉ ở Châu Âu mà còn trên thế giới; từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1990, các nhà bảo tồn di sản và khảo cổ học Ba Lan đã hoàn thành hàng trăm dự án bảo tồn di sản ở nhiều quy mô khác nhau tại hơn 30 quốc gia.
Triển lãm “Vượt qua những hạt cát của thời gian” mô tả về sự đóng góp của Ba Lan trong lĩnh vực bảo vệ các Di sản Thế giới cũng như hoạt động khám phá và nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia khảo cổ học và bảo tồn di tích của Ba Lan trên khắp thế giới bao gồm: Sudan, Ai Cập, Syria, Campuchia, Peru, Bolivia, Chile, Ecuador, Tanzania, Mỹ và Việt Nam.
Ngài Alexander Nowakowski cũng cho biết: Một trong những nhà khảo cổ học người Ba Lan được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam là Kiến trúc sư, Nhà bảo tồn di tích Kazimierz Kwiatkowski, được gọi với tên thân mật tại Việt Nam là "Kazik". Ông nổi tiếng với những nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… những nơi hiện nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Chính những hoạt động của Kiến trúc sư người Ba Lan này đóng vai trò quan trọng đối với các di tích văn hóa Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Phát biểu chúc mừng khai mạc triển lãm, PGS.TS.KTS. Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid19 diễn biến phức tạp, nhưng với thiện chí và nỗ lực của hai bên, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp cùng Đại sứ quán nước CH Ba Lan tại Việt Nam tổ chức thành công chương trình Hội thảo Khoa học Quốc tế “Kinh nghiệm Ba Lan - Việt Nam trong bảo tồn di sản Kiến trúc” vào hai ngày 11-12/10/2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo quy tụ được sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia hàng đầu về bảo tồn của Việt Nam và Ba Lan. Hội thảo tái hiên lại quá trình 40 năm quan hệ Việt Nam - Ba Lan về bảo tồn với những đóng góp to lớn và vô giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Ba Lan, tiêu biểu là KTS. Kazimierz Kwiatkowski (được gọi với tên thân mật tại Việt Nam là "Kazik”). Tên tuổi của ông gắn liền với các di sản thế giới nổi tiếng của Việt Nam như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hội thảo là nền tảng gắn kết giữa hai bên, để ngày hôm nay Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng ĐSQ Ba Lan tiếp tục hợp tác tổ chức Triển lãm về chủ đề bảo tồn.
PGS.TS.KTS. Lê Quân đánh giá: Nếu như chương trình hội thảo cho chúng ta cái nhìn về chặng đường hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan, thì chương trình triển lãm mở ra cho chúng ta cái nhìn rộng lớn hơn về thành tựu và những đóng góp của các chuyên gia khảo cổ học và bảo tồn di tích Ba Lan với nền di sản thế giới. Lãnh đạo Nhà trường bày tỏ, thông qua chương trình triển lãm xin được tri ân những tình cảm và nỗ lực của các chuyên gia Ba Lan trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vô giá của nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng; trân trọng cảm ơn ĐSQ Ba Lan đã tin tưởng và lựa chọn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là địa điểm tổ chức triển lãm ý nghĩa này ở Hà Nội. Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của ĐSQ Ba Lan để có những chương trình hợp tác ý nghĩa như vậy trong thời gian tới…